Cảm nhận ca khúc "Ngày Đá Đơm Bông" (Nhật Ngân, Loan Thảo) - Niềm hi vọng, khát khao hoà bình từng phút từng giây _ KUX

   

Với niềm “phấn khởi” sau hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, nền âm nhạc miền nam Việt Nam đã có rất nhiều ca khúc nói lên niềm hân hoan, sự hy vọng hòa bình sẽ được lặp lại trên đất nước, trên những vùng quê đã lâu chưa thấy được sự yên bình vốn có. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng không ngoại lệ, không những vậy ông có đến ba bài hát nổi tiếng viết về đề tài mà ai ai cũng đã mong ước từ rất lâu này, một là Qua Cơn Mê (hợp soạn cùng nhạc sĩ Trần Trịnh dưới bút danh chung là Trịnh Lâm Ngân), hai là Một Mai Giã Từ Vũ Khí và ba là bài hát hôm nay tôi muốn cùng mọi người nhắc tới Ngày Đá Đơm Bông được ông cùng hợp soạn với nhà soạn giả cải lương nổi tiếng Loan Thảo.

Nhạc sĩ Nhật Ngân (trái) - Soạn giả Loan Thảo (phải)

 

Nhật Ngân thì đối với khán giả yêu mến nhạc vàng thì có lẽ không ai là không biết, nên hôm nay tôi muốn nói sơ qua về nhà soạn giả cải lương Loan Thảo. Ông tên thật là Nguyễn Tấn Vị sinh năm 1942, mất năm 1982. Ngoài bút danh Loan Thảo, ông còn bút danh khác là Quế Anh, Quế Chi, Anh Vị, Dạ Thảo, Hoàng-Loan (Hoàng Việt – Loan Thảo). Ông là một người rất đa tài với rất nhiều vở cải lương nổi tiếng riêng biệt và đồng hợp soạn cùng các soạn giả khác, ngoài ra còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng về các điệu lý dân ca và tân cổ giao duyên…Và ông cũng có một tác phẩm tân nhạc rất nổi tiếng được hợp soạn cùng nhạc sĩ Nhật Ngân, chính là bài hát mà tôi đã nhắc đến ở trên và cảm nhận ngay sau đây:

Buổi tối ngủ trên đồi hỏi hòn đá nhỏ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông?

Một dòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo

và con đò, và câu hò theo nước trôi xuôi.

Ngay từ tựa đề của bài hát Ngày Đá Đơm Bông đã cho chúng ta một cảm giác vô cùng lạ thường, bởi vì vốn dĩ rằng đá thì đâu thể “đơm bông”? Đó như là một sự so sánh vô cùng tinh tế của tác giả về hoàn cảnh mà đất nước ta đã phải gánh chịu - những ngày chinh chiến dài đằng đằng dường như không bao giờ có hồi kết. Những tháng ngày mà con người ta phải sống trong niềm lắng lo về ngày mai, sự sống chết chỉ gần trong gang tấc, những hy vọng thì lay lắt như ngọn đèn trước gió chỉ chực vụt tắt. 

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ngày Đá Đơm Bông” Trình bày: Duy Khánh

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ngày Đá Đơm Bông” Trình bày: Duy Khánh

 

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ngày Đá Đơm Bông” Trình bày: Cẩm Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ngày Đá Đơm Bông” Trình bày: Cẩm Ly

Những ngày đó là “buổi tối ngủ trên đồi”, cô đơn, mỏi mòn trông đợi, mỏi mòn ngóng trông mà “hỏi hòn đá nhỏ” về một con đường, con đường “dẫn đến một dòng sông” - cái dòng sông mà “em vẫn thường ra ngồi giặt áo”, và còn có cả “con đò”, và còn có cả “câu hò theo nước trôi xuôi”. Đó là nỗi nhớ vô bờ, cũng là hy vọng, là mong ước xa xôi một ngày có thể bước trên con đường đó để trở lại nơi mà ngày nào được nhìn thấy “người em” nơi con tim vẫn cất giấu bấy lâu.

Cũng những ngày tháng đó, “buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ” - hỏi rằng “con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?” - miền quê mà có “trời hanh nắng”, có bờ “ruộng khô cằn sỏi đá” vẫn đang từng ngày đang “đợi mưa về” - “đợi mưa về cho lúa đơm bông”. Đó cũng như là một niềm hy vọng, niềm khát khao đã tồn tại từ rất lâu, rất lâu - trong cái nắng chói chang khiến cho còn người phải khô, phải héo dần mòn theo thời gian, nhưng niềm hy vọng, niềm khát khao mong mỏi cơn mưa đến vẫn chưa bao giờ ngừng lại mà vẫn đang từng phút, từng giây luôn đợi, luôn chờ…

Buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?

Một miền quê trời hanh nắng ruộng khô cằn sỏi đá.

Đợi mưa về, đợi mưa về cho lúa đơm bông.

Và rồi điều đó cũng đến, cơn mưa đã về, niềm hy vọng, sự mong mỏi đã được đền đáp. “Quê mình giờ đây”, con sông xưa đã có những con thuyền “xuôi ngược”, đã có thể nghe trong yên bình “kẽo kẹt võng đưa”“tiếng ru ngọt môi” mà đã từ lâu vẫn chưa từng được nghe. Và cũng vì vậy mà từng niềm vui được cất lên theo từng điều hò quen thuộc “Ơ... hớ... ơ... ” - Đây có lẽ là một điểm nhấn đặc biệt của bài hát, điểm nhấn thể hiện được tinh thần dân tộc, tình yêu và niềm khát khao hòa bình sẽ lặp lại trên khắp mọi nẻo đường của quê hương, của đất nước, và niềm vui, niềm hạnh phúc ấy càng được đong đầy khi tất cả đã thành hiện thực, một hiện thực mà tưởng chừng rất xa vời giờ đây đã thật gần, gần đến mức mà người ta có thể nắm bắt được trong lòng bàn tay nhỏ bé của chính mình.

Ơ... hớ... ơ... Quê mình giờ đây

con sông xưa thuyền có xuôi ngược.

Ơ... hớ... ơ... kẽo kẹt võng đưa.

Ơ... hớ... ơ... tiếng ru ngọt môi.

Đã qua rồi những “buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ”, rằng “con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?” - ngày mà “mẹ ra đứng cười rung làn tóc trắng”, ngày mà “tre cuối làng, cầu sau vườn theo gió đong đưa” - ngày mà vẫn tưởng chỉ có thể còn lại trong hồi tưởng, còn lại trong tâm trí, trong khát khao, ước mơ và mong chờ…

Thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?

Ngày xưa đó mẹ ra đứng cười rung làn tóc trắng.

Tre cuối làng, cầu sau vườn theo gió đong đưa.

 

Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?

Ngày vui đó bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.

Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông.

Rồi mỗi buổi sáng vẫn thường hay “hỏi mây trời đi hoài có rõ”, rằng có “con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?” - Cái ngày mà “bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ”, ngày mà “mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông” - Cái ngày mà trên thế gian ngỡ như rằng sẽ không bao giờ có được, ngỡ như đã bị bao phủ bởi sương khói của những ngày chinh chiến mệt nhoài nay đây mai đó. Cái ngày mà trong tâm trí của tất cả mọi người đều mong ước, đều khát khao có được, ngày mà “đá đơm bông”, ngày mà hòa bình được lập lại trên miền quê thanh bình ngỡ đã xa xôi lắm, ngày mà đất nước hòa chung vào niềm vui chiến thắng, niềm vui đoàn viên, niềm vui được thực hiện những ước mơ, những khát khao và được yêu bằng trọn một con tim không phải lo nghĩ hay vướng bận  nỗi niềm chiến trận…

Ngày đó đã không còn xa vời mà phải “hỏi hòn đá nhỏ”, “hỏi ngàn lá đổ”, hay phải tự “hỏi mình khe khẽ” và hỏi cả “mây trời đi hoài” xem “có rõ” không nữa, mà ngày đó - Ngày Đá Đơm Bông - đã thực sự về trên quê hương của chúng ta, về cùng với những con đò yên bình ngược xuôi trên bến sông, về với tiếng võng đung đưa nhè nhẹ sau hè những ngày bình thường nhất, về với tiếng ru dịu ngọt và hạnh phúc cất lên trong một “vùng trời bình yên” mà tất cả chúng ta đã mong ước từ rất lâu, rất lâu…

Tác phẩm của nhạc sĩ Nhật Ngân cùng nhà soạn giả cải lương Loan Thảo đã trở thành một bài ca bất hủ trải dài theo thời gian và cả không gian. Có lẽ một phần bởi chính những ước mơ ấy, những khát khao ấy là nỗi niềm chung, khát khao chung. Vậy cho nên niềm vui ấy, niềm hạnh phúc ấy chính là niềm hạnh phúc chung, niềm vui chung lớn lao nhất, và cũng yên bình nhất mà người người, nhà nhà đều đã mong mỏi từ lâu. 

Dù có đôi lúc cứ ngỡ như rằng nó sẽ không bao giờ đến, nhưng giờ đây nó đã thực sự, thực sự là hiện thực trước mắt không còn xa, một hạnh phúc yên bình - một Ngày Đá Đơm Bông trong làng nhạc vàng Việt Nam, và trong cả nền lịch sử của nhân loại.

Lời bài hát “Ngày Đá Đơm Bông” Tác giả: Nhật Ngân, Loan Thảo

Buổi tối ngủ trên đồi hỏi hòn đá nhỏ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một dòng sông?

Một dòng sông mà em vẫn thường ra ngồi giặt áo

và con đò, và câu hò theo nước trôi xuôi.

 

Buổi sáng ngồi trên rừng hỏi ngàn lá đổ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một miền quê?

Một miền quê trời hanh nắng ruộng khô cằn sỏi đá.

Đợi mưa về, đợi mưa về cho lúa đơm bông.

 

Ơ... hớ... ơ... Quê mình giờ đây

con sông xưa thuyền có xuôi ngược.

Ơ... hớ... ơ... kẽo kẹt võng đưa.

Ơ... hớ... ơ... tiếng ru ngọt môi.

 

Thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa?

Ngày xưa đó mẹ ra đứng cười run làn tóc trắng.

Tre cuối làng, cầu sau vườn theo gió đong đưa.

 

Buổi sáng hỏi mây trời đi hoài có rõ.

Con đường nào, con đường nào dẫn đến một ngày vui?

Ngày vui đó bầy chim sáo rủ nhau về xây tổ.

Mưa sẽ về, mưa sẽ về cho đá đơm bông.

 

Ký Ức Xưa biên soạn