Nhiều năm qua, không khi nào người hâm mộ nhạc Vũ Thành An không đặt câu hỏi về nguyên do nào khiến ông gọi những sáng của mình là “Bài Không Tên”, và những “bóng hồng” trong các nhạc phẩm của ông có thực sự hiện diện ngoài đời hay không, điều đó tưởng chừng như là một bí mật của riêng ông cho đến khi ông ngoài 70 tuổi.
Có lẽ những người yêu nhạc đã khiến cho ông rất vui và cảm động khi những bài nhạc ông viết, có bài đã trôi qua hơn cả nửa thế kỉ vẫn được rất nhiều người hâm mộ - có lẽ là vì vậy nên nhạc sĩ mới quyết định chia sẻ câu chuyện phía sau từng ca khúc của mình, đặc biệt là về 10 ca khúc không tên nổi tiếng mà ông đã cho ra mắt vào năm 1970.
Nhạc sĩ Vũ Thành An
Điều bất ngờ với người nghe nhất là Bài Không Tên Cuối Cùng lại chính là bài đầu tiên được hoàn thành cả phần nhạc và lời trong 10 bài hát không tên được phát hành trong tập nhạc vào năm 1970 đó. Nếu theo như số thứ tự được sắp xếp từ 1 đến 9 của các bài hát không tên thì bài Bài Không Tên Cuối Cùng chính là Bài Không Tên Số 10, nhưng ông lại không đánh số như thường lệ, vì vốn dĩ nó là bài đầu tiên mà ông hoàn thành trong số đó. Và nó còn có một ý nghĩa đặc biệt khác đối với ông - đó là những lời cuối cùng ông dành cho mối tình sâu đậm của chính mình.
Đó là mối tình của ông cùng với một đàn chị đang học năm 3 của trường luật, câu chuyện tình yêu đó bắt đầu chớm nở từ năm 1963, khi ông vừa gặp nàng lần đầu tiên. Trong hồi ký ông có viết về mối tình đó như sau: “năm 1963, vừa đậu tú tài toàn phần, anh tham gia tích cực các hoạt động của Tổng hội sinh viên Sài Gòn. Anh phụ trách chương trình Sinh viên hàng tuần trên sóng Đài phát thanh Sài Gòn. Anh bị em cuốn hút ngay từ buổi đầu tiên em đến làm xướng ngôn viên cho chương trình này. Dáng vẻ xinh xắn và giỏi giang của em đã làm lu mờ hình ảnh tất cả các cô gái khác đang có trong anh hồi đó…”
Trái tim của chàng nhạc sĩ ấy đã dần dần chiếm trọn hình bóng của cô gái theo thời gian trôi. Nhưng lúc đó ông lại được biết đến việc cô ấy học trên mình hai khóa, lại còn là tiểu thư con của một gia đình khá giả có tiếng, nên ông cũng có phần dè dặt hơn trong lúc tiếp cận, vì ông có những linh cảm không hay sẽ đến với hai người về sau.
Nhưng mọi dè dặt ban đầu đã tan biến hết khi cô nắm lấy tay ông, trao cho ông những tình cảm mà rất nhiều chàng trai khi đó mong ước mà không có được. Tình yêu của họ cứ như thế bắt đầu, vui vẻ và hạnh phúc.
Chuyện tình đó cũng đã tạo cho ông cảm hứng để viết nên Tình Khúc Thứ Nhất và Em Đến Thăm Anh Đêm 30 với lời thơ của Nguyễn Đình Toàn.
Nhưng đoạn tình cảm tươi đẹp ấy cũng chẳng thể kéo dài được bao lâu, những khoảng cách về tuổi tác, về học vấn và về địa vị xã hội đã trở thành rào cản ngăn cách tình yêu của họ. Tuyệt nhiên, gia đình cô không bao giờ có thể đồng ý mối quan hệ của hai người và cô đã buông xuôi, đầu hàng hàng trước nghịch cảnh đó của chính mình. Chỉ để lại một mình ông chơi vôi và ngỡ ngàng trước sự thật không ngờ:
“Anh đã thảng thốt cất tiếng kêu than khi em đột ngột chấm dứt liên lạc. Nhiều lần em đã hẹn rồi không đến…”
Mọi sự cố gắng cuối cùng của ông để cố gắng níu kéo là vô vọng. Và rồi Bài Không Tên Cuối Cùng đã ra đời trong sự đớn đau đến cùng cực đó của ông, và chính ông cũng không thể ngờ rằng bài hát đó lại nổi tiếng đến như vậy:
Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói
Nói ra nhiều cũng vậy thôi
Ôi đớn đau đã nhiều rồi
Một lời thêm càng buồn thêm
Còn hứa gì?
Sự bàng hoàng, chới với và suy suỵp của chàng nhạc sĩ ấy thể hiện rất rõ ràng ngay từ những cây hát thiết tha đầu tiên của bài nhạc: “Nhớ em nhiều nhưng chẳng nói/ Nói ra nhiều cũng vậy thôi” - nỗi nhớ trong anh cứ cồn cào, cứ hiện hữu mãi không thôi, muốn nói lắm nhưng chẳng thể, vì có nói thì cũng chẳng có ai nghe nữa rồi. Cuộc đời anh, cứ tưởng như rằng những đớn đau đã đi qua khi anh gặp được cô, nhưng giờ đây, những lời nói ra chỉ làm cho anh càng thêm buồn, thêm xót xa hơn mà thôi.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Tuấn Ngọc, Lệ Quyên
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Tuấn Ngọc, Lệ Quyên
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Vũ Khanh
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Vũ Khanh
Những lời hứa đó, của ngày xưa em đã nói, em đã hứa, “hứa cho nhiều rồi lại quên”, để giờ đây tâm hồn anh vỡ tan, niềm tin anh sụp đổ, để giờ đây “Anh biết tin ai bây giờ?” Tình yêu ấy anh đã tôn thờ trong tâm hồn, hình bóng ấy anh đã giữ trong trái tim, nhưng sao giờ người con gái anh yêu lại nỡ buông bỏ, lại nỡ quên hết. Chẳng phải chỉ mới hôm qua đây cô vẫn còn yêu anh, vẫn còn hứa hẹn và vẫn còn cạnh anh hay sao? Tại sao giờ đây mọi thứ lại thay đổi nhanh đến ngỡ ngàng như vậy, có khi còn chẳng kịp để mà ngỡ ngàng.
Biết bao lần em đã hứa
Hứa cho nhiều rồi lại quên
Anh biết tin ai bây giờ
Ngày còn đây người còn đây
Cuộc sống nào chờ
Chơi vơi trong đớn đau, trong tuyệt vọng anh gào thét lên tiếng gọi từ con tim mình “Này em hỡi, Con đường em đi đó, Con đường em theo đó, Sẽ đưa em sang đâu?” - Có lẽ là anh lo lắng rằng nếu rời xa anh cô sẽ không được vui vẻ, không được hạnh phúc như là hai người đã từng. Nhưng chẳng lẽ không vui, không hạnh phúc cô vẫn chọn đi hay sao? Chọn đi để làm gì, đi để mà gì khi cả anh và cô đều đau khổ, đều hoài niệm về những ngày tháng đã cùng hạnh phúc hay sao? Anh không thể tin, không thể hiểu được là tại sao, tại sao cứ phải chọn con đường đó?
Này em hỡi
Con đường em đi đó
Con đường em theo đó
Sẽ đưa em sang đâu
Mưa bên chồng, có làm em khóc, có làm em nhớ
Những khi mình mặn nồng.
Liệu rằng “Con đường em đi đó, Con đường em theo đó, Đúng hay sao em?”, liệu rằng nó sẽ không sai, không có nỗi buồn, không có đớn đau hay sao? Anh không chắc, cô cũng không biết, tại sao cô lại lựa chọn rời xa anh để đi con đường đó?
Câu hỏi đó, dường như chính là một lời trách móc, oán hờn của một con người đang từ đỉnh cao của hạnh phúc lại bỗng chốc phải rớt xuống địa ngục u tối. Nhưng trách móc, oán hờn thì cũng chẳng thể làm gì hơn được nữa, cô cũng đã rời xa anh, thiên đường của anh cũng đành phải lỡ làng mà thôi. Xót xa này, đớn đau này mà anh đang chịu chính là hiện thực, chính là minh chứng rõ ràng nhất cho đều đó. Thôi đành thế, phải chấp nhận thôi.
Này em hỡi
Con đường em đi đó,
Con đường em theo đó
Đúng hay sao em?
Xa nhau rồi
Thiên đường thôi lỡ
Cho thần tiên chấp cánh
Xót đau người tình si
Suốt con đường ai dìu lối
Hãy yêu nhiều người em tôi
Xin gửi em
Một lời chào, một lời thương, một lời yêu
Lần cuối cùng
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Thanh Lam
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Thanh Lam
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Thanh Hà
Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bài Không Tên Cuối Cùng" Trình bày: Thanh Hà
Khi nỗi đau lắng lại, anh vẫn thật tâm mong muốn rằng con đường tiếp theo mà cô - người con gái mà anh đã hết lòng yêu thương ấy sẽ được bình yên, hạnh phúc. Anh hy vọng sẽ ẽ có một người mới thay anh dìu lối cô đi, thay anh yêu thương cô, còn riêng anh giờ phút này “Xin gửi em một lời chào, một lời thương, một lời yêu - Lần cuối cùng”
Sự nổi tiếng không ngờ của Bài Không Tên Cuối Cùng ấy đã làm cho nhạc sĩ Vũ Thành An có một chút lắng lo, rằng cuộc sống của cô gái đó sẽ vì nó mà không suôn sẻ như mong muốn. Trong hồi ký ông cũng thể hiện rõ điều đó như sau: “Em đã từng muốn anh ghi lại kỷ niệm cho cuộc tình chúng mình. Và anh đã viết nhưng chưa bao giờ nghĩ rằng Bài Không Tên Cuối Cùng anh đã viết trong sự thảng thốt khi em đột ngột bỏ anh đi, sau đó lại được phổ biến rộng như thế. Chắc chắn những lời ca đó đã gây ảnh hưởng đến em. Anh hoàn toàn không muốn vậy…”
Và cùng với suy nghĩ đó, 25 năm sau ông đã viết lại trên nền nhạc ấy bằng một lời hát khác để sửa chữa lại những gì mà theo ông là “không nên viết” của những năm tháng đã qua của ngày xưa. Ông đặt tên cho bài hát là Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối, bài hát được ông viết vào năm 1991, bằng những xúc cảm của một con người trưởng thành khi nhìn lại chuyện tình đã qua, nhìn lại mối tình của tuổi trẻ trong quá khứ:
Nhớ rất nhiều câu chuyện đó,
ngỡ như là ngày hôm qua
Ôi ước ao có một ngày được gặp em,
hỏi chuyện em lần cuối cùng
Đến tận nhiều năm về sau đó ông vẫn không thể nào mối tình sâu đậm của hai người lúc đó, ông xứ ngỡ như đó chỉ mới là câu chuyện của “ngày hôm qua” đây thôi. Và giờ đây, khi nhớ đến, hồi tưởng lại ông vẫn chắc chắn rằng đó chính là tình yêu, là tình yêu khắc cốt ghi tâm của đời mình. Và ông cũng tha thiết vô cùng một ngày nào đó sẽ được gặp lại cô, cùng đối diện, cùng chuyện trò.
Trong tâm trí ông, những cảnh vật, không gian của ngày xưa vẫn luôn vẹn nguyên như ngày đầu, những cảm xúc đó vẫn như ngày đầu khi ông nhìn ngắm chúng. Thế nhưng người của ngày xưa giờ đây mãi đầu đã bạc, chuyện của ngày xưa cũng đã ở lại mãi mãi trong quá khứ xa xôi.
Vẫn con đường con đường cũ
Vẫn ngôi trường ngôi trường xưa,
mưa vẫn bay như hôm nào
Người ở đâu mình ở đây bạc mái đầu
Giờ đây, ông đến nơi xưa, hoài niệm người xưa, kỷ niệm xưa, lòng ông cồn cào tự hỏi, chắc là con đường mà cô đã đi thời gian qua cũng có nhiều lênh đênh, cũng có nhiều gập ghềnh, và không biết những khó khăn đó “có làm hiu hắt, có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười” nơi cô hay không? Và ông hy vọng câu trả lời sẽ là không, không bao giờ..
Này em hỡi con đường em đi đó,
con đường em theo đó
chắc qua bao lênh đênh,
bao gập ghềnh có làm hiu hắt
có dập tắt mất nét tươi nhuận nụ cười
Này em hỡi con đường em đi đó
con đường em theo đó đúng đấy em ơi
Nếu chúng mình có thành đôi lứa
chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau
Và sau bao nhiêu năm tháng đã qua, ông cũng nhận ra và khẳng định với cô rằng “Này em hỡi con đường em đi đó, con đường em theo đó đúng đấy em ơi” - Vì nếu ngày xưa cô có chọn ông và tình yêu của ông thì ông cũng không thể chắc chắn sẽ cho cô vui vẻ và hạnh phúc suốt đời, cũng không thể chắc chắn rằng bên ông cô sẽ “thoát ra đời khổ đau”.
Dù tha thiết được gặp và nói trực tiếp cùng cô những nghĩ suy hiện tại của mình, nhưng có lẽ điều đó dựa vào cái duyên. Có lẽ một ngày nào đó ông cũng sẽ được như ước nguyện mà gặp được cô, người con gái đã từng và mãi mãi là tình yêu sâu sắc của tuổi trẻ, của tâm hồn. Nhưng cũng có lẽ là suốt quãng đời còn lại ông sẽ không bao giờ được gặp lại bóng dáng quen thuộc ấy nữa, dù vậy thì ông cũng sẽ luôn “giữ cho trọn ân tình xưa” và luôn cầu chúc cho cô sẽ “được bình yên, được bình yên về cuối đời”
Nếu không còn được gặp gỡ
giữ cho trọn ân tình xưa
Xin gửi em một lời nguyện
được bình yên được bình yên về cuối đời
Dù rằng độ nổi tiếng của Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối không thể nào so sánh với Bài Không Tên Cuối Cùng đã viết trước đó 25 năm. Nhưng đó có lẽ chính là điều làm cho nhạc sĩ Vũ Thành An của chúng ta vui vẻ hơn, thoải mái hơn. Kỷ niệm mãi mãi là kỷ niệm, chuyện đã qua thì nên để cho nó qua đi, không nên để một kỷ niệm đáng trân trọng có ảnh hưởng không tích cực đến những người liên quan đến nó - có lẽ đó chính là mong muốn của nhạc sĩ khi viết nên Bài Không Tên Cuối Cùng Tiếp Nối.